Những gợi ý về giải pháp truyền thông trong năm 2013
Nắm bắt “thời điểm vàng”
Những gợi ý về giải pháp truyền thông trong năm 2013 sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội ngay trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
Đối với mạng xã hội, chiến thuật phổ biến trong năm 2013 sẽ là: booming (phát thông tin cùng lúc trên nhiều diễn đàn), seeding (tạo chủ đề thảo luận để “gài” thông điệp của sản phẩm/ dịch vụ) sau đó tối ưu hóa bằng quảng cáo ad word trên các công cụ tìm kiếm (chủ yếu là google). Cần nhớ, trang web của công ty chính là một công cụ truyền thông hiệu quả và chi phí ít nhất khi khách hàng tìm mua sản phẩm.
Suy thoái kinh tế chính là “thời điểm vàng” để các doanh nghiệp tận dụng thời cơ đầu tư làm thương hiệu và truyền thông – ông Richard Moore nhà tư vấn truyền thông hàng đầu của Mỹ đưa ra lời khuyên.
NGUYÊN TẮC 80/20
Trong bối cảnh ngân sách càng ngày càng trở nên eo hẹp, lời khuyên từ nhà đầu tư vẫn lão luyện Richard Moore là hãy dành 80% ngân sách của bạn vào các kênh truyền thông hiệu quả nhất và 20% vào các kênh thử nghiệm. Càng khó khăn, doanh nghiệp càng phải chú trọng khai thác tốt hơn khách hàng hiện có đồng thời cải thiện chất lượng truyền thông tới các đối tượng này vì chi phí chắc chắn sẽ ít hơn chi phí chinh phục khách hàng mới. Các doanh nghiệp cũng cần chú trọng xác định phân khúc khách hàng chính để phủ dầy, phủ đủ thông điệp truyền thông. Lợi nhuận sinh ra từ phân khúc khách hàng hiện có được dùng để truyền thông tới phân khúc khách hàng ít quan trọng hơn ngay sau đó.
CÁC CÔNG CỤ TRUYỀN THÔNG THỜI SUY THOÁI ONLINE
Với xu thế báo in ngày càng bị thu hẹp, bản in giảm đều, báo mạng trở nên sự lựa chọn không thể bỏ qua nhờ các ưu điểm nhanh, xuất hiện đúng lúc, đúng nơi, khả năng lưu trữ lâu và dễ dàng chia sẻ. Tuy nhiên, dạng bài editorial (quảng bá kín đáo với góc viết mới lạ) sẽ hiệu quả hơn so với các bài advertorial (bài đặt hàng quảng cáo).
Mạng xã hội với số lượng người dùng khổng lồ, các forum chuyên ngành trở thành công cụ quảng cáo và chiếm cảm tình của người tiêu dùng khá hữu hiệu. Để đến với khách hàng một cách hiệu quả, các chuyên gia PR và Marketing cần nắm vững danh sách, đặc điểm của các mạng xã hội mà khách hàng của mình thường lui tới… Song song với các diễn đàn truyền thống, các nhóm sở thích, nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác ngày càng nhiều trên facebook và trở thành tiếng nói đầy trọng lượng.
KẾT HỢP VỚI BÊN THỨ BA
Thời suy thoái cũng là lúc các thương hiệu cần chú ý bắt tay nhau để cùng làm nên những chương trình khuyến mãi, bán hàng hoặc sự kiện dành cho khách hàng (third party promotion).
Đêm Rock Storm của Mobiphone hoàn toàn có thể kết hợp với Coca Cola, Heineken hoặc một hãng rượu nào đó để đồng tổ chức sự kiện. Chương trình Davines Hair Show 2012 đặc biệt thành công với ngân sách không lớn khi kết hợp cùng công ty Piaggio để có một chiếc vespa được tài trợ làm tác phẩm nghệ thuật và phần thưởng cho người thắng cuộc, cũng như toàn bộ phần cocktail là do Grey Goose đài thọ.
TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP (CSR)
CSR năm 2013 không còn bó gọn vào việc đóng góp từ thiện thuần túy mà bao gồm các hoạt động đến từ chính bản sắc và thế mạnh của doanh nghiệp: đó có thể là việc cho mượn phòng để các em nhỏ vui chơi trong dịp hè, tổ chức những chuyến xe bus khám bệnh và phát xà phòng miễn phí cho các em nhỏ, tài trợ âm nhạc, bảo trợ nghệ sỹ…
TRUYỀN THÔNG NỘI BỘ
Trong tình cảnh kinh tế khó khăn, việc toàn doanh nghiệp đồng lòng, hợp sức vì sự sống sót và phát triển của doanh nghiệp là điều cần thiết. Thực tế đã cho thấy, tăng năng suất lao động trong nội bộ có thể mang lại nhiều lợi nhuận cho công ty hơn là đầu tư tìm kiếm khách hàng và thị trường mới. Từ năm 2009, nhiều công ty lớn ở Pháp đã nâng tầm quan trọng của truyền thông nội bộ như một công cụ gắn kết nhân viên, công cụ phát triển kinh doanh, nghiên cứu khoa học, đo lường dư luận xã hội, công cụ tự bảo vệ, nâng cao nghiệp vụ với chi phí thấp.
Suy thoái kinh tế cũng là thời điểm công ty phải đối mặt với một thử thách nặng nề: cắt giảm nhân sự. Đây là một công việc đòi hỏi bộ phận truyền thông của doanh nghiệp phải hoạt động hiệu quả nhất để tránh mọi cuộc khủng hoảng tiềm tàng: việc nhân viên S Phone biểu tình khi bị sa thải hàng loạt, đơn tố cáo một số ngân hàng ép nhân viên nghỉ việc, Tổng Giám đốc SUDICO từ chối trao lại con dấu… là một ví dụ nổi bật về nguy cơ khủng hoảng truyền thông dạng này. Truyền thông nội bộ, vì thế, cần thông báo sớm và rõ ràng về hướng phát triển ngắn hạn của công ty, chuẩn bị tâm lý và đảm bảo quyền lợi cho người ra đi, làm yên lòng người ở lại… Nếu khai thác tốt, truyền thông nội bộ không còn là việc của bộ phận nhân sự như quan niệm truyền thống mà còn là “liều thuốc kháng sinh” và “cỗ máy kiếm tiền” cho doanh nghiệp.
QUAN HỆ BÁO CHÍ
Điều cuối cùng doanh nghiệp cần chú ý đến chính là quan hệ với báo chí. Càng trong thời gian khó khăn, bộ phận truyền thông càng cần chú ý phát triển và duy trì quan hệ với báo giới bởi: quan hệ này có khả năng mang lại những bài viết miễn phí hoặc chi phí rất thấp có lợi cho công ty. Quan hệ báo chí cũng giúp nâng cao khả năng “miễn dịch” với các cuộc khủng hoảng truyền thông tiềm tàng, giúp xây dựng và bảo vệ hình ảnh của thương hiệu một cách chủ động. Quan hệ báo chí ngày nay chính là một phần tài sản của doanh nghiệp.
Năm 2013 chắc chắn sẽ là một năm khó khăn, nhưng cơ hội vẫn còn đó dành cho các doanh nghiệp biết xác định phân khúc mục tiêu của mình, dồn 80% nguồn lực vào các kênh truyền thông hiệu quả nhất và chú ý đúng mức tới truyền thông nội bộ.
ADC Theo Doanh nhân
EmoticonEmoticon
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.