Từ khi thức dậy cho đến lúc đi ngủ, và cả
trong những giấc mơ, chúng ta đều bị lòng ham muốn lôi kéo. Mỗi giác
quan ta khao khát món ăn riêng của nó, mắt ta ham nhìn những dáng màu
hấp dẫn, tai ta ham nghe những âm thanh dễ chịu, mũi ta hăng hái đánh
hơi những mùi thơm và vội vàng quay đi trước những mùi khó chịu, lưỡi ta
tìm kiếm những vị ngon mới lạ, và xúc giác ta thì luôn luôn khát khao
gặp gỡ những tiếp xúc khác nhau.
Ham muốn không chỉ gắn vào những gì ta có thể
thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ. Tâm ta cũng theo đuổi tư tưởng một cách hăm
hở không kém lưỡi chạy theo vị ngon. Những thứ trừu tượng như tri thức,
danh tiếng, sự an ninh bảo đảm, sự hài lòng… cũng được theo đuổi một
cách nồng nhiệt như thể đấy là những vật có thể cầm nắm trong tay hay
thấy được bằng con mắt. Quả thế, lòng ham muốn lan tràn khắp nơi, đến
nỗi ta không chắc có một thứ gì ta làm mà lại không bị điều động bởi ham
muốn. Bất kể ta hoạt động trong lĩnh vực nào- thương mại, thể thao hay
tâm linh- chính lòng ham muốn dưới một hình thức này hay khác, đã thúc
đẩy ta thành công trong lãnh vực ấy. Lòng ham muốn là một phần bất khả
phân trong đời sống, đến nỗi người ta coi cuộc đời mà không có ham muốn
thì chẳng khác gì một cái chết đang sống.
Sống một cuộc đời không có ham muốn thật
buồn, nhưng nếu sống một cuộc đời mà có quá nhiều ham muốn vây quanh để
rồi chẳng thể làm được cái gì ra hồn, liệu điều gì sẽ buồn hơn? Và bạn
có bao giờ tự hỏi bản thân như thế này chứ:
“TẠI SAO CÁI GÌ TÔI CŨNG HAM MUỐN VẬY?”
Hãy hình dung đến một cái cốc nước, ham
muốn của bạn là nước ở trong cốc. Bạn thử rót nước vào cốc đi, chỉ đến
một ngưỡng nào đó thôi đúng không. Đâu thể nào cứ rót mãi nước mà không
bị tràn ra ngoài được.
Ham muốn của bạn cũng vậy đấy. Nếu bạn có
quá nhiều ham muốn, muốn mua nhiều thứ, muốn làm nhiều thứ, muốn trở
thành nhiều người, trong khi năng lực của bạn không đủ, sức khoẻ của bạn
không tốt, tài chính của bạn không có,… như thế chẳng hoá ra bạn đang
làm nô lệ cho những ham muốn của chính bản thân mình sao? Một lúc nào đó
nước sẽ tràn hết ra nền nhà, và bạn sẽ phải lau dọn, đấy là trong
trường hợp may mắn nước không dây ra bàn phím hoặc giường ngủ.
Tôi có đọc một bài viết từ tờ báo Bangor Daily, xuất bản ngày 18-7-1983, với tiêu đề: “Secret of Wealth: limit desires“,
bí mật của sự giàu có, đó là biết giới hạn những ham muốn của bản thân.
Bài báo kể về một người đàn ông giàu có đã sống đủ lâu để biết mọi niềm
vui trong cuộc sống đều rất dễ để có nếu ta biết cách giới hạn những
ham muốn của bản thân. Thay vì mua một chiếc xe hơi đắt tiền chỉ bởi nó
đẹp và sang trọng, ông chỉ cần mua 1 chiếc vừa phải, thay vì mua những
bộ quần áo đắt tiền chỉ phục vụ một mục đích duy nhất là ham muốn, ông
mua những bộ quần áo vừa phải, số tiền còn lại ông sẽ dành làm việc khác
có ích hơn…
Và thực tế thì sao?
Hãy tính một bài toán đơn giản thôi. Các
khoản phí bạn sẽ phải chi trả ở mức trung bình khi sống tại HN là: tiền
nhà (1,2 triệu), tiền điện nước (0,2 triệu), tiền xăng xe điện thoại
(0,4 triệu), tiền ăn (0,8 triệu), tiền chơi bời (0,4 triệu), chưa tính
các khoản linh tinh (chắc chắn sẽ phải có) thì bạn đã mất toi 3 triệu
rồi. Giờ tính tiếp nếu lương của bạn 7 triệu, mà tháng đó bạn muốn mua 1
cái iPad 2 mini (ít nhất cũng phải 10 triệu), đồng nghĩa với việc bạn
phải vay mượn thêm khoảng 6 triệu nữa, vậy tháng tới bạn phải vay mượn
đâu để sống?
Hay như công việc và học tập, bạn muốn
học và làm quá nhiều thứ, trong khi quỹ thời gian của bạn chỉ có
24h/ngày như bao người khác, tiền lương của bạn hàng tháng cũng chỉ ở
mức trung bình (8-10 triệu), hoặc là bạn phải tìm ra một cách học thông
mình để học 1 biết mười, hoặc là bạn phải tìm một người thầy thật giỏi
để dạy bạn, nếu không, bạn chỉ đang làm tổn hao nguồn lực của mình mà
thôi.

Tôi từng nghe ai đó nói rằng nếu bạn
không kiếm được trên $3000/tháng thì đừng mua ô tô. Tôi thấy đó là một
lời khuyên hữu ích đấy chứ. Ngoài chiếc ô tô ra, bạn sẽ còn hàng tá thứ
cần phải chi trả đấy. Vậy nên, nếu có lúc nào bạn tự nhận thấy rằng mình
lúc nào cũng thiếu tiền, lúc nào cũng thiếu thời gian, lúc nào cũng cảm
thấy chông chênh, thì hãy tự hỏi bản thân:
“TÔI ĐANG HAM MUỐN NHỮNG GÌ?”
Còn dĩ nhiên, đằng sau tất cả ham muốn
của chúng ta là sự mong mỏi được hạnh phúc. Về phương diện này, quả thực
mọi người đều bình đẳng, vì tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc,
mặc dù có thể mỗi người định nghĩa hạnh phúc một cách. Không ai trong
chúng ta lại mong muốn dù một chút xíu khổ đau hay thất vọng. Nếu xét
kỹ, ta có thể thấy rằng mọi hành vi của ta đều được khởi động bởi lòng
ham muốn có được những cảm xúc dễ chịu, hoặc muốn tránh những sự khó
chịu. Và đừng để những cảm xúc dễ dàng đánh lừa, ta cần phải biết giới
hạn ham muốn của bản thân, ta cần phải tạo ra những chiếc cốc to hơn để chứa được nhiều nước hơn.
Bài "Giới hạn của ham muốn- Limit desires"
Theo Trung Đức
Theo Trung Đức
EmoticonEmoticon
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.